Chất lượng sản phẩm là biểu hiện tổng hợp kết quả của một quá trình hoạt động kinh tế. Trong hoạt động ngành in hiện nay chất lượng sản phẩm còn là một yếu tố cạnh tranh hàng đầu nhằm thu hút khách hàng, nâng cao sản xuất.

In flexo cho chất lượng sản phẩm in đồng đều, màu sắc đậm đà.
In flexo cho chất lượng sản phẩm in đồng đều, màu sắc đậm đà.

Đã qua thời kỳ nhà in ngồi chờ khách hàng mang đến và ung dung với sản phẩm không đủ tiêu chuẩn lưu hành trên thị trường.

Khâu chế bản ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng sản phẩm in. Do vậy, chúng ta phải hết sức chú ý đến chất lượng khâu này trước khi thực hiện công đoạn in. Căn chỉnh máy móc thiết bị do cán bộ kỹ thuật đảm nhiệm và được tiến hành định kỳ hoặc được tiến hành khi có sự cố hoặc khi thay đổi công nghệ và nguyên liệu. 

Thuật Ngữ Về Bản Flexo

Để hiểu rõ quá trình làm bản, trước tiên ta cần hiểu cấu trúc của bản Flexo và một số thuật ngữ. Sau khi chế bản, khu vực nền trên đó phần tử in tạo chân được gọi là đế bản (floor) hay cũng chính là phần tử không in. Chiều cao từ đế bản cho tới bề mặt hình ảnh gọi là phần tử in nổi (relief). Mặt lưng của bản được tăng cường bằng một lớp phim nhằm tạo sự ổn định về kích thước bản khi in.

Chiều dày bản phụ thuộc vào loại máy in và công dụng in của nó. Chiều dày bản thay đổi từ 0.045” (1.14 mm) tới 0.25” (6.35 mm). Độ dày trung bình của loại bản mỏng ở Bắc Mỹ là 0.067” (1.70 mm) được dùng cho nhãn mác, hộp giấy, bao bì mềm… Bản dày từ 0.125” (3.175 mm) tới 0.25” (6.35 mm) thường được dùng nhiều trong in bao bì carton dợn sóng và trên các loại bao dệt PP…

Phương Pháp Tạo Bản In Flexo

Phương pháp tạo bản thông dụng nhất hiện nay trong in Flexo là Analog và Digital (Laser Ablative Mask System – LAMS)

Analog:

Đối với hệ thống analog, phim matt (phim có mặt nhám chuyên dùng cho bản flexo) được ghi riêng trước khi đặt lên trên tấm bản analog, sau đó tất cả được phủ lên một tấm phim để hút chân không. Sau khi hút chân không, bản Flexo được phơi bằng tia UV. Hạt tram và đường nét trên bản thường to hơn so với tram và đường nét trên phim vì sự tán xạ và phản xạ của ánh sáng sau khi xuyên qua nhiều lớp như: lớp phủ, tấm phim đã ghi và tấm che ngăn không cho phim dính vào bản. Bản analog cũng có cấu trúc hạt tram bằng đầu (flat top) với độ bền hạt tương đối tốt.

Digital LAMS:

Công nghệ digital LAMS không dùng phim, thay vào đó một lớp mặt nạ màu đen được áp chặt lên mặt bản. Lớp mặt nạ đen được đốt bằng tia laser công suất cao, sau đó phần tử bị đốt được hút sạch để lộ ra phần tử in, phần mặt nạ còn lại sẽ che phủ phần tử không in. Bản sau đó được phơi với quy trình phơi thông thường, nhưng không có hút chân không, tức là nó được phơi với sự hiện diện của không khí. Phần tử oxy trong không khí tác động lên các phân tử kích hoạt polymer, làm chậm quá trình polymer hóa, điều này khiến hạt tram bị co lại và thay vì bằng đầu, hạt tram có hình đầu tròn như viên đạn (đầu tù). Hai loại phổ biến hiện nay áp dụng cho bản đều dùng đầu laser năng lượng cao để đốt lớp mặt nạ đen.

  • Phương pháp phổ biến nhất là chùm tia laser đơn Gaussian. Chùm tia này đốt bản với năng lượng cao nhưng có profile dạng hạt mềm (soft dot). Nguyên do là cấu trúc của laser này có năng lượng cao ở trung tâm chùm tia, suy giảm mạnh ở vùng rìa tạo ra dạng năng lượng hình chuông.
  • Phương pháp thứ hai là chùm laser nhiều tia gồm những tia năng lượng thấp kết hợp lại tạo ra mức năng lượng cần thiết. Nhưng phương pháp này cũng tạo ra nguồn năng lượng cao ở trung tâm, bị giảm mạnh ở vùng gần bìa chùm tia, kết quả là hạt tram không sắc nét. Công nghệ digital LAMS kết hợp với việc tác động của oxy hóa làm hạt tram co lại trong quá trình phơi UV. Điều này thực tế làm cho kết quả cuối cùng của tấm bản kém ổn định và khó kiểm soát.

Phương pháp làm bản thứ 3 – công nghệ làm bản Laminate:

https://youtu.be/DB40tUSAzgw

Với công nghệ này, một lớp phim nhạy nhiệt chất lượng cao Thermal Imaging Layer (TIL), được ghi bằng máy ghi bản công suất thấp, tương tự loại dùng trong chế bản Offset. Lớp TIL này sau đó được ép chân không lên mặt bản digital Flexo chuyên dùng. Nhờ vậy mặt thuốc của TIL hoàn toàn tiếp xúc với bản polymer, còn đế phim sử dụng như một rào chắn ngăn oxy tác động. Cả bản và lớp TIL được phơi trong không khí, nhưng không có tác dụng của oxy. Tiếp xúc hoàn hảo giữa bản với mặt thuốc tạo kết quả chuyển tiếp hình ảnh 1: 1 từ file sang bản. Lớp TIL sau đó được bóc khỏi trước khi hiện bản và xử lý như qui trình bình thường. Cấu trúc của hạt tram có chóp bằng đầu tạo sự bền bản khi in như bản analog nhưng độ phân giải cao hơn rất nhiều, tới 300 lpi và tầng thứ đầy đủ từ 0 – 100%.

Flexo NX 0.4% dots 150 lpi – sample at 80 deg tilt

Ví dụ: Công nghệ tram vuông SQUAREspot của Kodak năng lượng thấp được sử dụng để ghi phim nhiệt TIL trước khi ép chân không lên bản Flexo digital. Mỗi hạt 10,6 micron là một ma trận của 4×4 laser tạo cấu trúc tram hard dot với rìa cạnh sắc nét cũng như chuyển hình ảnh từ digital tới bề mặt bản. Đây chính là phần ưu việt của công nghệ này. Vì so với file digital tạo bởi những ảnh điểm vuông, việc dùng laser dạng tròn luôn luôn cho kết quả có sai số. Điều này xảy ra khi các ảnh điểm laser tròn chồng lên nhau làm thay đổi diện tích hạt.

Phương pháp làm bản thứ 4 – khắc trực tiếp Direct Laser Engraving (DLE):

Ở phần tử không in được đốt bởi đầu laser có công suất cực cao, nhằm tạo phần hình ảnh nổi. Đây là quá trình làm bản thuần túy digital, không dựa vào phản ứng hóa học nhờ tia UV. Nó được sử dụng phổ biến cho việc in hình ảnh liên tục và chế bản hình ống (sleeve). Tốc độ ghi và giá thành của hệ thống laser khá đắt là hạn chế của công nghệ đang phát triển này.

Phơi Bản UV

Bước quan trọng đối với mọi công nghệ chế bản Flexo là phơi bản bằng tia UV nhằm tạo phản ứng polymer hóa cho phần tử in. Đây là phần quan trọng nhất đối với chất lượng sau cùng của bản. Công đoạn này thay đổi rất ít trong suốt 20 năm qua với cải tiến nhiều hơn là những bước đột phá. Chìa khóa của quá trình này là sự ổn định và chính xác lặp lại. Sự thay đổi bên ngoài như nhiệt độ, độ ẩm có thể ảnh hưởng đến quá trình phơi và kết quả. Những bộ phận đơn giản như mặt phẳng được làm mát của bàn phơi, lượng gió giải nhiệt đầy đủ để thổi hơi nóng thoát ra từ mặt bản cũng có thể hỗ trợ lớn cho việc tăng sự ổn định cho bản. Một yếu tố ảnh hưởng nữa là việc bong đèn tuýp UV sẽ suy giảm năng lượng phát sáng sau thời gian sử dụng. Vì vậy, bộ phận điều chỉnh ánh sáng bao gồm cảm biến đo lượng sáng phát ra để tự động điều chỉnh thời gian phơi sẽ đảm bảo năng lượng phơi luôn ổn định. Đây cũng là một yếu tố quan trọng trong việc phơi bản Flexo.

Quá Trình Hiện & Xử Lý Bản

Đối với tất cả qui trình làm bản Flexo (trừ khắc bản trực tiếp DLE: Direct Laser Engraving), quá trình hiện bản là quá trình xử lý hóa chất. Những phần tử không polymer hóa được bóc tách sau đó hòa tan (phương pháp dung môi hữu cơ) hoặc nung chảy và bóc tách (phương pháp gia nhiệt thermal).

Phương pháp phổ biến nhất là dùng hóa chất rửa bản, hoặc là hỗn hợp nước và chất tẩy rửa. Trong cả hai trường hợp, hóa chất hấp thu phần tử photopolymer có thể tái sinh rồi tách ra phần polymer không cần thiết, trước khi xử lý thải. Dung dịch dùng ngày nay được coi là không có phần tử độc hại, mùi nhẹ và thân thiện với người vận hành. Nó được tái tạo bằng công nghệ chưng cất truyền thống hoặc tái sinh với một gallont (3.79 lít) của dung môi tái tạo với tỷ lệ 90%, có thể dùng để tạo nên gần 40 feet vuông (3.72 m2) của bản photopolymer loại 0.067”.

Quy trình tạo bản nhiệt cũng là một phương pháp phổ biến khác, thay vì hòa tan phần bản polymer không cần thiết, phần tử này được nung nóng nhiều lần làm chảy nó, với thiết bị làm chảy polymer bằng lô hiện bản dưới áp lực. Thường là bản Flexo phải qua 8-12 vòng trong chu trình này để đạt được độ sâu cần thiết cho mặt bản.

Việc làm chảy vật liệu bản không cần thiết cũng sẽ sản sinh ra khí thải phải được hút ra khỏi khu vực sản xuất. Cuộn lô hiện bản là vật liệu dùng một lần và phải lớn hơn khổ bản. Thông thường để tạo 40 feet vuông của bản (tương đương sử dụng một gallon dung môi), 440-480 feet vuông của cuộn lô hiện bản được dùng và phải trả lại cho nhà máy chế tạo để thải theo đúng qui định an toàn hoặc tái sinh lại.

Việc chọn qui trình xử lý bằng dung môi hoặc qui trình xử lý bằng nhiệt được quyết định dựa trên yêu cầu kỹ thuật. Ta phải xem xét những lợi điểm và khuyết điểm của từng công nghệ. Ví dụ như tráng rửa bằng dung môi cho phép tạo bản với tiêu chuẩn cao nhất. Mặt khác chọn công nghệ gia nhiệt thuận tiện và nhanh hơn. Yếu tố cần xem xét nữa là dung môi sử dụng và quy trình tái sinh đang được các nhà sản xuất cải tiến liên tục nhằm tăng năng suất và thuận lợi hơn khi gia công bản.

Quy trình kiểm tra kiểm soát chế bản

Với nhân viên phòng máy cần tuân thủ theo các bước kiểm tra như sau:

1. Kiểm tra hiện tượng muối dư (vệt sữa) do thuốc định hình yếu;

 nếu thấy hiện tượng này thì cho film chạy qua ngăn định hình một lần nữa để dung dịch khử hết muối dư (chú ý: không cho qua ngăn hiện). Sau đó phải bổ xung nồng độ thuốc hiện hoặc thay thuốc định hình ngay để tránh xảy ra hiện tượng này cho các lần xuất film sau. 

2. Kiểm tra độ trong của đế film, thường dùng mắt đánh giá:

Nếu vùng trắng có mức xám tương đương vùng 5 trở lên là do nồng độ thuốc hiện quá đậm đặc hoặc thuốc hiện hỏng, phải thay thế thuốc hiện và ra film một lần nữa. Đế bị xám sẽ tạo màng khi phơi và sẽ gây bẩn tờ in. 

3. Kiểm tra độ chắn sáng vùng biên:

– Dùng máy đo độ đen (Đen sitometer) đo độ chắn sáng vùng bện (DMax) kết quả đo được 3.5  4 là tốt. (Trường hợp thuốc kém, laze yếu… cũng không để nhỏ hơn 3.0).
– Dùng mắt thường rọi vùng bện lên ánh đèn, không thấy ánh sáng xuyên qua là được.

4. Kiểm tra biên phần tử in:

Dùng mắt, kính lúp bàn soi… kiểm tra các vùng bện, các biên hình, chữ âm bản có bị mờ, nhòe, có xiên hay không. Nếu có tức là hạt T’ram không sắc nét, không bền vững phải báo cán bộ kỹ thuật kiểm tra xử lý ngay. 

5. Kiểm tra biến thiên kích thước T’ram (dotgain, dotlost):

– Dùng mật độ kế đo các bước T’ram trên dải film test, bước này nhân viên kỹ thuật làm theo phần A. Các nhân viên có trách nhiệm hỏi nhân viên kỹ thuật về bước kiểm tra này, đặc biệt khi chế film các sản phẩm quan trọng.
– Các nhân viên có thể dùng dải film test dot đã căn chỉnh chuẩn làm mẫu rồi dùng kính lúp soi đối chiếu với các vùng T’ram trên film. Thường soi đối chiếu ở vùng 10, 50, 70 và 90 nếu thấy các vùng T’ram trên film có độ phủ tương đương với dải film mẫu là được.

 6. Kiểm tra tần số (mật độ) T’ram:

Dùng thước chuyên dụng đo. Tần số T’ram phụ thuộc vào vật liệu và công nghệ in. Nếu xuất ra T’ram sai sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả in.

7. Kiểm tra hình dạng T’ram:

T’ram cho in offset thường có dạng hình tròn hay elíp, T’ram cho in ống đồng dùng công nghệ giấy pigment thường có có dạng vuông cách li nhau…

8. Kiểm tra chiều mặt thuốc:

Với các máy rọi film đang dùng ở nhà in báo Nhân Dân thì mặt thuốc là mặt công bên trong của film. Có thể xác định mặt thuốc bằng cách dùng mũi dao vạch vào vùng có các dấu hướng dẫn hoặc chi tiết phụ khi thấy mặt thuốc bong ra thì đó chính là mặt thuốc. Có thể xác định chiều mặt thuốc khi quan sát file trên RIP:

  • Film mẫu phơi cho bản diazo: Mặt thuốc dương trái
  • Film mẫu phơi cho in ống đồng chế bản bằng giấy pigment ăn mòn:
    • Nếu in mặt trong màng túi: Mặt thuốc dương trái
    • Nếu in mặt ngoài màng túi: Mặt thuốc dương phải
  • Film phơi cho in lưới: Mặt thuốc dương phải
  • Phim phơi mẫu cho in flexo:
    • Nếu in mặt trong màng túi: Mặt thuốc âm trái
    • Nếu in ngoài màng túi: Mặt thuốc âm phải

9. Kiểm tra sơ đồ dàng khuôn:

 Đối chiếu với các khuôn film với sơ đồ dàn khuôn về vị trí trong khuôn, hướng trang (đầu, chân, gáy), khoảng cách sông, khoảng trừ xén, dấu gấp, dấu trùng khớp, dấu cắt…

10. Kiểm tra thiết kế theo dõi makét:

 Kiểm tra film về mặt trình bày xem có gì sai sót không so với thiết kế, so với lời dặn, ghi chú yêu cầu của khách hàng. Kiểm tra các thành phần của trang như tile, xinhê, đầu trang, chân trang…, xem có gì sai sót không.

11. Kiểm tra text:

Kiểm tra lỗi typo, lỗi thừa thiếu dòng, nhảy chữ, lỗi sai kiểu chữ (font). Thường đối chiếu với từ bông hoặc layout trên màn hình.

12. Kiểm tra độ trùng khớp các ốc màu:

 Đặt các film chồng lên nhau trên bàn soi, nếu thấy độ lệch ốc phải tìm nguyên nhân (thường do film lắp chưa chặt) và xuất lại film.

13. Kiểm tra kích thước film:

– Các film tấm cho các sản phẩn quan trọng, đặc biệt sản phẩm in ở nơi khác, Phải kiểm tra kích thước rất cẩn thận.
– Các ảnh lẻ đối chiếu với kích thước ghi sau ảnh.

14. Kiểm tra mức độ xây xước, các vạch lỗi film;

đưa film ra trước ánh sáng đèn, có thể nghiêng qua nghiêng lại hoặc đặt lên bàn soi để phát hiện các lỗi xây xước, các vạch lỗi nếu vết xước nặng làm bong T’ram (đặc biệt T’ram nền) hoặc các vạch lỗi đen, vạch lỗi trắng mờ nghiêm trọng lên các vùng hình ảnh, T’ram… phải xác định nguyên nhân, khắc phục và xuất lại film.

15. Kiểm tra số lượng film:

– Đối với ảnh lẻ: Đối chiếu số lượng film với số lượng bài mẫu (các bộ film tách màu phải có đủ các bản film tách ra). – Với film tấm: Đối chiếu số lượng film với số lượng trang, số lượng khuôn khách đặt hàng.

Kết Luận:

Nhìn chung, công nghệ làm bản Flexo khá phức tạp khi bạn không kiểm soát được chúng. Trong thực tế đây là sự kết hợp giữa vật liệu làm bản và hệ thống ghi bản để tạo nên 1 tấm bản Flexo có thể chấp nhận về mặt thương mại cho sản phẩm được in ấn. Quá trình chuyển từ file sang hình ảnh cũng như xử lý bản càng ổn định chừng nào thì quy trình in trên máy càng dễ kiểm soát, giúp cho việc rút ngắn thời gian chuẩn bị, chạy thử và tăng cường tính ổn định của sản phẩm in. Điều này sẽ mang nhiều lợi ích cho nhà in, khách hàng sử dụng sản phẩm và cuối cùng là môi trường

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *