Xu hướng in 7 màu cơ bản nói chung và Multicolor nói riêng được nhắc đến nhiều trong khoảng vài năm trở lại đây. Vậy thực chất nó là gì, có thể áp dụng hiệu quả trong điều kiện sản xuất tại các Nhà in ở Việt Nam hay không, thông qua bài giới thiệu về giải pháp Multicolor của Heidelberg này chúng tôihy vọng làm sáng tỏ phần nào.

Bằng việc bổ sung thêm ba màu mực cơ bản Da cam (Pantone Orange 021C), Xanh lá (Pantone Green) và Xanh tím (Pantone Violte C), gọi tắt là OGV, vào bộ bốn màu cơ bản CMYK, không gian màu in được mở rộng hơn. Thể tích của không gian màu mới lớn hơn khoảng 30% so với không gian màu in CMYK theo Fogra 51. Ba màu mực bổ trợ này đều được cung cấp phổ biến tại các hãng sản xuất mực có bản quyền Pantone.

 

Không gian màu rộng lớn hơn đồng nghĩa với việc có thể giả lập được nhiều màu pha / màu Pantone hơn so với phương pháp chỉ dùng CMYK, tạo ra hàng loạt lợi ích cho Người đặt in và Nhà in, đặc biệt với mảng sản phẩm bao bì, tem nhãn.

Từ mỗi bộ thông số (Lab) của một màu Pantone/màu pha nhập vào, phần mềm Prinect Multicolor Toolset có thể tách màu để giả lập bằng tram trên các bản in, đồng thời đưa ra dự báo về ∆E giữa màu gốc và màu giả lập, hiển thị hai màu cạnh nhau ở phía dưới giao diện. Một đặc điểm mấu chốt là phần mềm chỉ tách màu theo phương án tối đa “4+1”. Nghĩa là trong mọi trường hợp chỉ bổ trợ tối đa một màu trong bộ OGV và bộ CMYK. Giá trị ∆E cao hay thấp tùy thuộc vào đặc điểm của chính màu pha/Pantone cần giả lập. Hiện tại giải pháp Multicolor của Heidelberg có thể giả lập được 942 màu Pantone với 85% trong số đó có ∆E <3.

 

CMYK và OGV có thể kết hợp với nhau trong các vùng màu Pantone/màu pha và các vùng hình ảnh khác giúp cho màu sắc rực rỡ hơn. Chống hiện tượng Moire với các góc xoay tram ra sao cho 7 màu mực được các nhà cung cấp giải quyết theo những phương pháp khác nhau. Heidelberg Multicolor giữ nguyên góc xoay tram của CMYK (tram AM thông thường) và sử dụng tram FM (không có góc xoay) cho OGV. Phần mềm tách màu, tram hóa trên Prinect PrePress Manager cho phép phối hợp các bản in tram AM và FM trên cùng một bài in.

 

Multicolor có thể đem lại một loạt lợi ích cho không chỉ Nhà in mà cả những Người đặt in:

  • Giảm thiểu sử dụng mực màu pha sẵn. Màu pha giờ đây được tạo ra không phải bởi một lớp mực tông nguyên pha sẵn trên một cụm in mà được tạo thành từ sự phối trộn tram của các cụm in màu cố định trên máy.
  • Giảm thời gian vệ sinh máy, thay mực. 7 màu mực cố định trên 7 cụm in có thể được sử dụng lâu dài, tạo ra vô số màu pha cho các bài in khác nhau, giải phóng máy in khỏi chuỗi thao tác thay mực màu, vệ sinh máy vốn tốn rất nhiều thời gian.
  • Rút ngắn thời gian sản xuất trên máy in. Công đoạn pha mực và hiệu chỉnh trên máy in được tối giản, nhiệm vụ đó được chuyển về bộ phận chế bản, vốn được trang bị các công cụ dự đoán khá chính xác.
  • Tối giản bộ phận pha mực và kho mực. Không cần mực pha sẵn, nhu cầu pha mực giảm thiểu, số chủng loại mực pha trong kho ít hơn. Công đoạn kiểm soát vật tư được đơn giản hóa và giảm thiểu chi phí cho mực tồn kho.
  • Có thể dự báo trước màu in. Sử dụng hệ thống in thử chuyên dụng để thể hiện hoàn chỉnh toàn bộ nội dung bài in phục vụ công tác duyệt mẫu, ký bông tin cậy trước khi in Ốp-xét.

 

Theo ước tính, một nhà in sử dụng một máy 7 màu khổ 72×102 cm, nếu mỗi ngày in 30 bài có màu pha/Pantone, trung bình thời gian cho mỗi lần thay mực khoảng 10 phút, nếu chuyển thành công sang Multicolor thì có thể tiết kiệm tới 250.000 USD/năm. Con số này là khá ấn tượng!

 

Các ứng dụng phù hợp nhất với Multicolour có thể kể tới:

  • In HiFi hay in phục chế. Bổ trợ OGV vào hình ảnh in giúp gia tăng độ bão hòa màu, tạo độ tương phản cao hơn so với sử dụng CMYK đơn thuần. Các sản phẩm in thương mại cần sự rực rỡ như sách ảnh thiên nhiên, những cuốn sách tranh cần tái tạo màu sắc trên các tác phẩm nghệ thuật vốn có màu sắc đặc biệt phong phú, hay các loại catalogue sản phẩm có nhiều sắc độ màu (như mỹ phẩm) được đáp ứng tốt hơn với Multicolor.

  • Versioning. Ngày càng phổ biến nhu cầu từ phía Người đặt in sản phẩm bao bì, tem nhãn trong mỗi mùa, mỗi chiến dịch marketing ngắn, một loạt sản phẩm tương đồng về định dạng, chất liệu nhưng có sản lượng không cao, với thời gian giao hàng cực ngắn. Áp dụng Multicolor thay vì sử dụng màu pha riêng biệt cho từng sản phẩm đem lại lợi ích cho cả Người đặt in và Nhà in về thời gian và giá thành.

  • In ghép. Các sản phẩm in Versioning này có thể được ghép cùng nhau trên một tờ in. Hoặc do thời gian sản xuất gấp rút hay thuận tiện cho việc sử dụng giấy… cần in ghép các sản phẩm.Hoặc có thể có nhu cầu ghép in mẫu (trên đúng chất liệu giấy in sản lượng) cho nhiều sản phẩm cùng lúc. Multicolor giả lập không hạn chế số màu pha/Pantone trên cùng một tờ in nên đem lại hiệu quả rất lớn cho các bài in dạng này. Thực tế, in ghép là một giải pháp bắt buộc cho mảng thị trường Web to Print ngày càng phát triển.

 

Multicolor cần những gì?

Triển khai ứng dụng Multicolor một cách hiệu quả trong sản xuất hàng ngày là hoàn toàn khả thi nếu chuẩn bị đồng bộ các điều kiện dưới đây:

  • Hệ thống chế bản tách màu (ví dụ Prinect PrePress Manager) có khả năng làm việc với tram AM – FM và tách 7 màu cơ bản dựa trên ICC profile.
  • Hệ thống ghi bản điện tử CTP.
  • Kết nối chế bản và máy in Ốp xét để truyền dữ liệu cấp mực của bài in.
  • Máy in Ốp-xét chất lượng tốt, có từ 6 tới 7 cụm in. 7 cụm là tối ưu cho Multicolor nhưng 6 cụm vẫn có thể sử dụng vì nguyên lý “4+1” nêu trên. Lúc này, Nhà in cần lựa chọn các bài in có màu pha phù hợp 6 màu mực trên máy hoặc luân phiên sử dụng 2/3 màu bổ trợ OGV cho từng đợt sản xuất.
  • Hệ thống quét màu quang phổ và điều khiển khóa mực hoàn toàn tự động. Mấu chốt của việc duy trì ổn định màu sắc sản phẩm in Multicolor là độ đồng đều của màu in tông nguyên CMYK + OGV. Các hệ thống quét màu tự động tích hợp trên bàn điều khiển trung tâm như Easy Control, Axis Control… có khả năng ghi nhận sự thay đổi màu sắc dù rất nhỏ và đưa ra quyết định điều chỉnh nhanh và chính xác hơn nhiều so với con người.
  • Bộ mực in cường độ cao giúp giảm độ dày lớp mực trong khi vẫn duy trì độ đậm màu cần thiết. Lớp mực mỏng luôn có nhiều lợi thế khi in chồng 7 màu ướt/ướt. Việc sử dụng mực in UV và bố trí các giàn đèn sấy trung gian sẽ cải thiện kết quả in so với sử dụng mực thường.
  • Hệ thống in thử chuyên dụng được căn chỉnh đúng cách giúp ích rất nhiều trong công tác dự đoán kết quả in, tạo thuận lợi cho quá trình duyệt mẫu, ký bông đồng thời giúp sàng lọc khả năng áp dụng Multicolor trước khi đưa lên máy in Ốp-xét.
  • Tuy nhiên quan trọng hơn cả là Nhà in cần xây dựng quy trình quản trị màu in PCM (Print Color Management). Về bản chất PCM là một chuỗi các công việc nhằm tiêu chuẩn hóa các yếu tố có ảnh hưởng tới màu sắc sản phẩm in như vật tư (giấy, mực…), tham số vận hành của hệ thống ghi bản và hiện bản, tham số của quá trình in Ốp-xét (mà quan trọng nhất là thông số các màu tông nguyên)… PCM cũng bao gồm các công việc tối ưu hóa tương tác giữa công đoạn Chế bản và In để tạo ra tờ ký bông trong thời gian nhanh nhất, hao tốn ít phế phẩm nhất.

 

Chúng ta thử hình dung theo lối sản xuất đang áp dụng tại đơn vị mình, sẽ mất bao nhiêu thời gian chế bản, công sức, thời gian điều chỉnh trên máy in Ốp-xét, hao phí vật tư… để có thể có một tờ in Multicolor vừa khớp màu pha/Pantone giả lập, vừa đúng màu hình ảnh CMYK theo ý khách hàng? PCM là một chìa khóa đặc biệt quan trọng.

 

Kết luận

Thực tế khảo sát in Multicolor cho thấy nó không phải là một cây đũa thần cho phép giả lập chính xác toàn bộ các màu pha/Pantone. Mỗi công nghệ đều có giới hạn nhưng khéo léo tận dụng ưu thế của Multicolor sẽ cho hiệu quả sản xuất cao hơn. Trong một Nhà in nên kết hợp cả phương pháp in màu pha/Pantone truyền thống cùng Multicolor và chuyên môn hóa trên một số máy. Tính năng dự báo độ sai lêch ∆E của màu giả lập ở công đoạn chế bản và hệ thống in thử giúp sàng lọc, phân loại các bài in phù hợp với Multicolor. Các Nhà in cũng nên tự tạo cho mình cuốn Atlas màu Multicolor tương ứng với các vật tư và điều kiện in của mình. Định hướng khách hàng lựa chọn màu pha trong Atlas đó giúp chủ động rất nhiều trong sản xuất.

 

Phương pháp in nhiều màu cơ bản cũng được áp dụng cho công nghệ in Flexo và Ống đồng, không chỉ nhằm giải quyết bài toán giả lập màu pha mà còn kiểm soát việc phối trộn tram của các màu pha hiệu quả. Các máy in Kỹ thuật số chuyên dùng cho tem nhãn, bao bì ngày nay đều có cấu hình tiêu chuẩn 7 màu, sẵn sàng cho CMYK + OGV. Một số phiên bản máy in phun thế hệ mới (dùng cho in thử) cũng đã được bổ sung OGV vào bộ hộp mực tiêu chuẩn. In 7 màu cơ bản đang là là một hướng phát triển được hỗ trợ mạnh mẽ bởi nhiều nhà cung cấp thiết bị, phần mềm và vật tư trong vài năm trở lại đây. Khi nhu cầu in nhanh trở nên cấp thiết hơn tất thảythì độ chính xác màu in có thể bị thỏa hiệp, đó là thời điểm để phương pháp in này trở thành tất yếu.

 

Bài viết có sử dụng một số tư liệu của Heidelberg và hình ảnh minh họa từ Internet.

 

Đỗ Anh Vũ

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *